Thực hiện cải cách Tử_Sản

Cải cách chế độ ruộng đất

Chấp chính năm thứ nhất, công cuộc cải cách đầu tiên mà Tử Sản thực hiện đó là vấn đề ruộng đất. Ông vạch ra phương châm "ruộng có mương, vườn có giếng" (5 nhà chung 1 giếng), đem một số lượng lớn ruộng tư đương thời biên chế lại, vạch rõ giới hạn, xác định quyền tư hữu. Lúc đầu thực hiện biện pháp này, Tử Sản đã gặp nhiều sự phản đối, dư luận ca rằng "Lấy áo quần ta mà độn, lấy ruộng đất ta chia phân. Ai giết Tử Sản, cho ta dự phần".

Ba năm sau, khi thấy được thành quả lớn lao của sự đổi mới, dư luận lại ca: "ta được con cháu, nhờ Tử Sản dạy. Ta có ruộng nương, để Tử Sản trồng. Tử Sản mà chết, ai kế tục đây?". Việc cải cách ruộng đất do Tử Sản thực hiện đã thúc đẩy kinh tế ngày một đi lên.

Cải cách chính trị

Chấp chính năm thứ hai, Tử Sản tiến hành cải cách chính trị. Tử Sản một mặt thu dụng hiền tài, một mặt thực thi chính sách công khai. Những con người có tài như Phùng Giản Tử, Công Tôn Huy, Tử Đại Thúc... ông đều dựa vào tài năng mà cho đảm nhiệm những chức vụ thích hợp. Còn con cái của cường hào, quan lại, đều là bất tài, ông quyết không cho làm quan. Có người kiến nghị cấm bỏ trường làng, không cho mọi người tụ tập ở trường làng mà bàn bạc chính sự, ông không tán thành, mà cứ để mọi người công khai phát biểu ý kiến của mình. Chính sách chính trị công khai của Tử Sản đã thu phục được lòng dân.

Cải cách thuế ruộng và chế độ quân đội

Tử Sản thực hiện việc này vào năm chấp chính thứ sáu. Ông yêu cầu mỗi khâu (= 16 tỉnh, mỗi tỉnh = 5 nhà) nông hộ xuất nộp 1 ngựa, 3 bò đẻ làm thuế nuôi quân. Cách lấy thuế này tương đối hợp lý cho sự gánh vác xã hội giữa người giàu và người nghèo, giúp tăng cường thực lực quân sự và cả về thu nhập tài chính cho quốc gia.

Cải cách chế độ pháp luật

Chấp chính năm thứ tám, Tử Sản cho đúc Hình thư, một loại sách về luật hình. Với cách này, Tử Sản đã đem những điều luật cho khắc trên đỉnh, công bố cho mọi ngườ đều biết, làm cho mọi người dân đều tôn trọng, hạn chế được những việc làm sai trái, thay đổi hẳn tình trạng không có chỗ dựa pháp luật trước đó. Vì thế có người tôn Tử Sản là cha đẻ của học phái Pháp gia.